Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
* Chủ nhiệm đề tài: Thạc sĩ Đoàn Thị Cẩm Vân
* Mục đích: Tìm hiểu và trình bày có hệ thống tư duy biện chứng trongca dao, tục ngữ Thừa Thiên - Huế.
* Để thực hiện được mục đích đó, đề tài sẽ thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Giới thiệu khái quát về tư duy biện chứng và tư duy biện chứng trong văn học dân gian Việt Nam.
- Trên cơ sở đó, làm rõ tư duy biện chứng trong ca dao, tục ngữ Thừa Thiên Huế và đưa ra một số đánh giá về tư duy biện chứng trong ca dao, tục ngữ Thừa Thiên Huế.
Từ rất lâu, một câu hỏi đã được đặt ra cho dân tộc Việt Nam, đó là: Việt Nam có triết học hay không? Trả lời câu hỏi đó sẽ là trả lời cho cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam qua hơn 4000 năm phong ba, bão táp vẫn nguyên hình đất nước. Trả lời câu hỏi ấy cũng là trả lời cho cội rễ, cho linh hồn của toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam dù mất mát, đau thương vẫn là một dân tộc nhân văn, hoà hiếu mà mạnh mẽ, kiên cường.
Chúng ta đã biết rằng, trong những điều kiện lịch sử khác nhau, ở những xã hội khác nhau, ở những môi trường sinh hoạt khác nhau sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của triết học của những cộng đồng người sẽ khác nhau, cách thức biểu hiện cũng khác nhau. Nếu xem triết học với tiêu chí như là một hệ thống những tri thức chung nhất của con người về tự nhiên, xã hội và tư duy chỉ ra đời khi nhận thức của con người đạt tới một giới hạn nhất định thì ở Việt Nam, mầm mống của triết học xuất hiện từ rất sớm trong các hình thức của văn học dân gian mà một số nhà nghiên cứu gọi là “triết học bình dân”.
Trong chỉnh thể thống nhất của hệ thống văn học dân gian, tục ngữ, ca dao phản ánh cuộc sống muôn màu của nhân dân lao động gắn liền với lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là nhãn quan của người lao động, ẩn chứa năng lực tư duy, nhận thức của người Việt. Khi nghiên cứu khía cạnh triết học, biểu hiện của tư duy biện chứng trong ca dao, tục ngữ nói riêng và văn học dân gian Việt Nam nói chung “rất có thể chúng ta lại tìm ra, phát hiện ra mạch ngầm sâu thẳm của dân tộc” Việt Nam từ thượng cổ cho đến sau này [8, tr.404 - 405]. Rồi từ đó, tiếp tục tìm hiểu, khái quát, làm rõ những nội dung phong phú, sâu sắc của triết học Việt Nam với tư cách là một chỉnh thể toàn vẹn.
Xứ Huế một thời là kinh đô của cả nước, một thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá xứ Đàng Trong; người dân xứ Huế trầm tư, sâu lắng, chịu thương, chịu khó. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: Huế trăm năm trước và trăm năm sau không có gì thay đổi. Nó hình như muốn giữ trọn một lời thề sắt son, không bao giờ thay lòng đổi dạ. Hay như Bùi Giáng nói:
Dạ thưa phố Huế bây giờ
Ngự Bình vẫn đứng bên bờ sông Hương.
Tất cả những điểm riêng của mảnh đất này làm nên một nền văn học dân gian xứ Huế với những sắc thái riêng như sự giao thoa giữa văn học dân gian với tư duy bác học; hay sự hiện diện của một tình cảm dành riêng cho quê hương vô cùng thiêng liêng, sâu nặng; cũng như sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo, Nho giáo trong đời sống tinh thần của người dân xứ Huế nói chung và văn học dân gian xứ Huế nói riêng.
Thế nên tiếp cận, tìm hiểu tư duy biện chứng trong ca dao, tục ngữ xứ Huế sẽ thấy được nét riêng đậm đà văn hoá Huế; sẽ thấy hình dáng của văn hóa dân tộc cũng như dấu ấn của “triết học bình dân” hiện diện trong ca dao, tục ngữ xứ Huế. Tất cả sẽ hoà chung vào dòng chảy văn học dân gian của dân tộc Việt Nam, làm cho nền văn học dân gian Việt Nam thêm phong phú và sâu sắc.
Vì những lẽ đó, tác giả đã chọn đề tài: “Tư duy biện chứng trong ca dao, tục ngữ Thừa Thiên - Huế” để nghiên cứu.